NÉT VĂN HÓA TRANG PHỤC CỦA NGƯỜI H'MÔNG

NÉT VĂN HÓA TRANG PHỤC CỦA NGƯỜI H'MÔNG

Các bạn sẽ cảm nhận không ít về các tiểu tiết đường nét, hoa văn trang phục để nói lên phong tục của người anh em trong cộng đồng dân tộc VN chúng ta.

Khi tiếp xúc, chúng ta rất ái mộ trước tính hào sảng và hiếu khách của họ

 

 

 

Người H’Mông là người du mục, nghe đâu di cư từ Trung Quốc sang và mưu sinh trải dài các vùng quốc gia Đông Nam Á.

Riêng tại VN  có lẽ gần 2 triệu người, họ thường cư ngụ tại các vùng núi phía Bắc như Sơn La, Lai Châu, Lào Cay, Hà Giang v.v…và Gia Lai , Kon tum; họ thường sinh sống ở độ cao từ 800m đến 1300m – ngôi nhà thường bằng gỗ có khi bằng đất.

 Đa phần, họ là người theo đạo Saman. Saman giáo là một hình thức tôn giáo dùng phù phép, ảo thuật đưa con người vào trạng thái hôn mê để giao tiếp với thần linh, qua đó nhờ thần linh giúp đỡ những điều mình mong muốn.

Người Mông có hai nghề truyền thống khiến cộng đồng các tộc người sinh sống ở Tây Bắc phải nể phục là nghề xe lanh dệt vải và nghề rèn độc đáo. Nếu như nghề rèn chỉ dành cho đàn ông thì nghề xe lanh dệt vải dành cho phụ nữ và họ đã tạo nên một nét văn hóa thổ cẩm rực rỡ sắc màu giữa ngút ngàn đá xám ngắt của vùng cao nguyên cằn cỗi.

Cây lanh là nguồn sống không thể thiếu trong cộng đồng dân tộc H’Mông. Nghệ nhân Sùng Thị Mai (21 tuổi, thôn Lùng Tiến) nói rằng: “Đây là nghề truyền thống, truyền đi truyền lại từ xa xưa không bao giờ mất gốc được ở dân tộc H’Mông của mình được. Chúng mình rất nghèo, chỉ biết làm nghề này để đổi ra tiền”

Sau mỗi vụ lúa, ngưởi Mông chuyển sang cày bửa cho đất tơi xốp rồi gieo hạt lanh. Khoảng ba, bốn tháng, lanh cao bằng đầu người, khi cây to bằng đầu đũa, chưa kịp phát tán cành là thu hoạch được. Khi thu hoạch những cây to hơn sẽ được giữ lại để phát cành, tỏa tán rồi ra hoa, kết quả, giữ lại làm giống cho mùa sau. Gặt xong, lanh được chuyển về nhà để tiện cho việc phơi và tránh trời mưa làm hỏng lanh. Khi phơi người ta nâng bó lanh lên cao rồi làm động tác xoay thật nhẹ lúc thả cuống tạo dáng như tấm váy xòe.

Với trên 30 công đoạn từ lấy cây lanh về, tuốt sợi, quay khung xe để lấy thành bó sợi, dệt bó sợi trên khung dệt thô sơ được đạp bằng chân và điều khiển bằng tay, vẽ sáp trên nền vải trước khi cho vào nhuộm… Cây lanh qua kỹ thuật của người dân tộc Mông nhìn tưởng mỏng manh, nhưng lại trở nên cực kỳ chắc chắn.

Có lẽ công đoạn làm nên hồn cốt của thổ cẩm tộc người Mông là cách vẽ sáp ong lên vải lanh. Người Mông có kỹ thuật trang trí bằng cách vẽ sáp ong trên vải lanh để lấy họa tiết. Hầu hết các họa tiết được thêu, vẽ, chắp vải trên nền vải lanh trắng hoặc vải đỏ, có định hình sẵn là các bộ phận của áo, váy. Sau khi hoàn thiện trang trí từng bộ phận riêng lẻ, người ta mới may ráp, hoàn chỉnh váy, áo... 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

Với người phụ nữ Mông, cách xe lanh dệt vải, dùng sáp ong trang trí hoa văn như ăn vào tâm thức được truyền đời, nên khi người con gái biết yêu, biết đi chợ tình thì họ cũng đã thành thạo nghề xe lanh dệt vải. Cái nghề bình dị này đã đi vào ca dao của tộc người này với ý nghĩa như một lời đánh giá phẩm chất của người phụ nữ: “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/ Gái xinh chưa biết cầm kim là hư…”

Những công đoạn làm nên loại thổ cẩm đầy sắc màu của người Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn giờ đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc đầy sức cuốn hút đối với mỗi du khách khi đến khám phá làng dệt thổ cẩm truyền thống Lùng Tám ở huyện Quản Bạ. 

Không những thế, người Mông ở Đồng Văn đã mang nghề xe lanh dệt thổ cẩm của mình đi đến các kỳ Festival ở Huế, các ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Hà Nội) để trưng bày, giới thiệu gây nhiều sự ngạc nhiên, thích thú cho du khách.

 

Tài liệu sưu tầm

 

 

 

 

Bài viết liên quan

© 2016 vietantravel.com - Designed by Viễn Nam